Tham gia các hoạt động kỷ niệm ngày Giỗ tổ Hùng Vương 10/3 âm lịch

Thứ sáu - 19/04/2024 16:34
Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng mùng 10 tháng 3 âm lịch hằng năm là một ngày lễ trọng đại của đất nước, đã trở thành biểu tượng văn hóa tâm linh sâu sắc và độc đáo của dân tộc Việt Nam, thể hiện cho niềm tự hào về sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, là dịp để Nhân dân ta tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn công lao lập nước của các Vua Hùng, những vị vua đầu tiên của dân tộc, các bậc tiền nhân đã có công lao xây dựng, gìn giữ và bảo vệ non sông gấm vóc từ ngàn đời.
Tham gia các hoạt động kỷ niệm ngày Giỗ tổ Hùng Vương 10/3 âm lịch
Với niềm tin thành kính này, từ hàng nghìn năm qua, từ thế hệ này đến thế hệ khác kế tiếp nhau, người Việt ở vùng Đất Tổ - nơi có Đền Hùng linh thiêng và Nhân dân trên khắp mọi miền của đất nước, cùng đông đảo người Việt Nam ở nước ngoài, đã sáng tạo, thực hành, vun đắp và lưu truyền Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương để tri ân công đức Tổ tiên, cầu cho quốc thái dân an, khẳng định quyết tâm đoàn kết toàn dân tộc, chung tay gìn giữ, xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, hùng cường như lời dạy của tiền nhân. Nét tiêu biểu và đậm đà bản sắc nhất cho Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, được thực hiện vào ngày 10 tháng 3 Âm lịch hàng năm tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh. Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương cũng được tổ chức đồng loạt cùng ngày trên khắp mọi miền của đất nước cũng như cộng đồng người Việt ở nước ngoài. 
Các nhà nghiên cứu về văn hóa dân gian đều khẳng định: Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - thờ cúng ông Tổ chung của cả nước, có lẽ hiện nay trên thế giới chỉ có duy nhất dân tộc Việt Nam, đó là bản sắc văn hóa tiêu biểu, đặc sắc của dân tộc và cũng là di sản văn hóa tiêu biểu của nhân loại. 
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương bắt nguồn từ Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, một trong những tín ngưỡng đặc thù, có vị trí hết sức đặc biệt trong đời sống tinh thần và là một trong những thành tố tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Trải qua bao biến cố của lịch sử, Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của dân tộc Việt Nam luôn chiếm vị trí thiêng liêng trong đời sống tinh thần của cộng đồng các dân tộc; được bảo tồn và lưu truyền qua bao nhiêu thế hệ với sức sống lâu bền và ngày một lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng xã hội và tồn tại qua mọi thể chế chính trị, góp phần hun đúc lòng tự hào và tạo nên tinh thần đoàn kết, yêu nước, thương nòi. Con người có Tổ, có Tông, như cây có cội, như sông có nguồn. 
Nhớ đến ngày Giỗ Tổ không phải để nhớ tới những chuyện xa xưa thời tiền sử mà chính là để tỏ lòng kiêu hãnh rằng dân tộc ta là một dân tộc có nguồn cội, có lịch sử văn hóa lâu đời. Mỗi khi Giỗ Tổ Hùng Vương, người Việt Nam đều hướng về Đền Hùng - nơi thờ Đức Quốc Tổ. Đền Hùng trở thành một vị trí lịch sử quan trọng được tôn kính thiêng liêng nhất.
Hiện nay, cả nước có khoảng 1.417 di tích có thờ cúng Hùng Vương và các nhân vật thời Vua Hùng, riêng tỉnh Phú Thọ có 345 di tích. Bên cạnh đó còn có rất nhiều nơi, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng thờ cúng Hùng Vương. Đây là niềm tự hào, tự tôn của một dân tộc trải qua trên hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước mà có được.
Theo những tài liệu hiện nay còn lưu lại, hình thức sơ khai của Ngày Giỗ
Tổ đã xuất hiện rất sớm trong lịch sử, cách đây hơn 2.000 năm. Dưới thời Thục Phán - An Dương Vương, cột đá thề đã được dựng trên núi Nghĩa Lĩnh, ghi rõ: “Nguyện có trời đất chứng giám, nước Nam được trường tồn lưu ở miếu Tổ Hùng Vương, xin đời đời trông nom lăng miếu họ Hùng và gìn giữ giang sơn mà Hùng Vương trao lại; nếu nhạt hẹn, sai thề sẽ bị gió giăng, búa dập”.
Trong suốt hàng ngàn năm lịch sử, nhiều vị vua có tên tuổi của các triều đại phong kiến Việt Nam ngay khi mới lên ngôi, đã từng xác lập “ngọc phả” về thời đại Hùng Vương, khẳng định vai trò to lớn của các Vua Hùng đối với non sông đất nước. Niên hiệu Thiên Phúc nguyên niên tức năm 986 dưới triều Lê Đại Hành, có bản Nam Việt Hùng Vương ngọc phả vĩnh truyền, còn gọi là Cổ Việt Hùng thị thập bát thế thánh vương ngọc phả cổ truyền. Đây là lần đầu trong lịch sử xuất hiện tài liệu ghi chép một cách tường tận, chi tiết về 18 đời Vua Hùng, sau được sao lại vào năm Khải Định thứ 4 (1919). Bản ngọc phả viết thời Trần, năm 1470 đời vua Lê Thánh Tông và đời vua Lê Kính Tông năm 1601 sao chép đóng dấu kiềm để tại Đền Hùng, nói rằng: “Từ nhà Triệu, nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần đến triều đại ta bây giờ là Hồng Đức Hậu Lê vẫn cùng hương khói trong ngôi đền ở làng Trung Nghĩa. Những ruộng đất từ xưa để lại dùng vào việc cúng tế vẫn không thay đổi...”
Như vậy, có thể hiểu từ thời Hậu Lê trở về trước, các triều đại đều quản lý Đền Hùng theo cách giao thẳng cho dân sở tại trông nom, sửa chữa, cúng bái làm giỗ. Bù lại họ được miễn nộp thuế 500 mẫu. Đến đời vua Nguyễn vào năm Khải Định thứ 2 (1917), Tuần phủ Phú Thọ là Lê Trung Ngọc đã trình bộ Lễ định ngày 10 tháng 3 âm lịch hằng năm làm ngày Quốc tế (Quốc lễ, Quốc giỗ). Điều này được tấm bia Hùng Vương từ khảo do Tham tri Bùi Ngọc Hoàn, Tuần phủ tỉnh Phú Thọ lập năm Bảo Đại thứ 15 (1940) cũng đang đặt ở đền Thượng trên núi Hùng, xác nhận : “Trước đây, ngày Quốc tế lấy vào mùa thu làm định kỳ. Đến năm Khải Định thứ 2 (dương lịch là năm 1917), Tuần phủ
Phú Thọ là Lê Trung Ngọc có công văn xin bộ Lễ ấn định ngày 10 tháng 3 làm ngày Quốc lễ, trước ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đời thứ 18 một ngày. Còn ngày giỗ (11 tháng 3) do dân sở tại làm lễ”. Kể từ đây, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 10 tháng 3 âm lịch hàng năm được chính thức hóa bằng luật pháp.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, kế tục truyền thống cao đẹp của dân tộc, Đảng, Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến Đền Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đã về thăm viếng tại đây. Ngày 18/02/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 22/SL-CTN cho công chức nghỉ 01 ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương năm Bính Tuất (1946) - năm đầu tiên của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chính phủ lâm thời đã cử cụ Huỳnh Thúc Kháng - Quyền Chủ tịch nước lên dự Giỗ Tổ và cụ Huỳnh Thúc Kháng - Quyền Chủ tịch nước đã dâng một tấm bản đồ Tổ quốc Việt Nam và một thanh gươm quý nhằm báo cáo với Tổ tiên về đất nước bị xâm lăng và cầu mong Tổ tiên phù hộ cho quốc thái dân an, thiên hạ thái bình cùng nhau đoàn kết, đánh tan giặc xâm lược, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. 
Một trong những lần về thăm Đền Hùng, ngày 19/9/1954 sau chiến thắng Điện Biên Phủ, trước khi về tiếp quản thủ đô Hà Nội, mặc dù bận trăm công nghìn việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn quan tâm đến giáo dục các thế hệ con cháu hướng về cội nguồn dân tộc. Bác đã chọn Đền Giếng (trong khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng) làm nơi gặp gỡ, nói chuyện với cán bộ Đại đoàn Quân Tiên phong (Sư đoàn 308 - Quân đội nhân dân Việt Nam). Tại đây, Bác căn dặn cán bộ, chiến sĩ vào tiếp quản thủ đô phải giữ nghiêm kỷ luật, giữ gìn trật tự an ninh, bảo vệ tính mạng tài sản của Nhân dân, chống mọi hành động phá hoại của kẻ thù. Bộ đội phải giúp đỡ Nhân dân, tuyên truyền giải thích cho Nhân dân, không được làm điều gì phiền nhiễu Nhân dân, sao cho từ cụ già đến em bé đều quý mến, tin tưởng... Đặc biệt, Người nói: Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Lời Bác ở Đền Hùng đã trở thành lời hịch thiêng liêng của non sông đất nước, ghi tạc trong tâm khảm mỗi người con đất Việt ở khắp mọi miền, với mọi thế hệ. Tư tưởng nhất quán về chủ quyền Quốc gia, dân tộc là linh thiêng và bất khả xâm phạm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các bậc tiền nhân dựng nước đã và đang được toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta kế thừa, phát huy lên tầm cao mới. Noi gương Bác, hàng năm, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các địa phương trong cả nước; các đoàn khách quốc tế và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã đến dâng hương, tưởng niệm các Vua Hùng. 
Do tính chất quan trọng của khu di tích, năm 1963 Bộ Văn hóa đã xếp hạng di tích quốc gia; năm 1967 Chính phủ quyết định xếp hạng khu rừng Đền Hùng là rừng cấm quốc gia. Từ năm 1969, các tầng lớp Nhân dân quyên góp xây dựng công quán, Nhà nước đầu tư xây dựng Bảo tàng Hùng Vương, đường điện, đường giao thông, hệ thống nước, sửa chữa đền miếu, trồng rừng cây sinh cảnh, tổ chức bảo vệ khu di tích và rừng cấm, tổ chức 4 cuộc hội thảo khoa học cấp quốc gia. Đền Hùng và Giỗ Tổ Hùng Vương trở thành tâm thức, lẽ sống của người Việt Nam chúng ta. Hàng năm, lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương ngày càng quy mô hơn, dài ngày hơn và với nội dung phong phú hơn.
Ngày 06/01/2001, Chính phủ ra Nghị định số 82/2001/NĐ-CP, quy định nhà nước về các ngày lễ lớn, trong đó ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 Âm lịch là ngày Quốc lễ.
Ngày 06/12/2012, tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng của Việt Nam đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Theo đánh giá của các chuyên gia UNESCO thì “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” đạt được tiêu chí quan trọng đó là: Di sản có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, khích lệ ý thức chung của tất cả dân tộc trong việc thúc đẩy giá trị của di sản. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thể hiện rõ lòng tôn kính đối với tổ tiên, thể hiện thái độ tôn trọng sự đa dạng văn hóa. Đặc biệt, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương còn thể hiện sự liên kết chặt chẽ giữa giá trị tâm linh của cả một dân tộc với những giá trị khoa học, điều đó đã minh chứng cho sức sống mãnh liệt của văn hóa Việt Nam trong dòng chảy đương đại. Đây chính là đề cao sự thống nhất trong đa dạng văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc biệt của Di tích, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích lịch sử đền Hùng là di tích quốc gia đặc biệt (Quyết định số 1272/QĐ-TTg, ngày 12/8/2009).
Ngày 24/11/2011, UNESCO đã ghi danh Hát Xoan Phú Thọ - Việt Nam là Di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Ngày 08/12/2017, “Hát Xoan Phú Thọ, Việt Nam” đã chính thức được UNESCO đưa ra khỏi Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và ghi danh tại Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hát Xoan Phú Thọ ngày nay càng gắn bó chặt chẽ với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương với sự gắn kết hết sức độc đáo. Từ lịch sử ra đời, tên gọi, nguồn gốc và quá trình thực hành Hát Xoan Phú Thọ đều gắn chặt và hòa quyện với các truyền thuyết thời Hùng Vương; lối trình diễn, sắp đặt các bài bản, các chặng hát cũng tuân thủ theo các nghi thức hát thờ các Vua Hùng một cách thành kính; các câu từ chúc tụng, ca ngợi công đức các Vua Hùng xuất hiện trong nhiều quả cách xuyên suốt từ chặng hát thờ cho đến phần hát hội. Đặc biệt, Hát Xoan hầu hết được trình diễn ở các di tích đình, đền thờ tự Hùng Vương. Đó chính là không gian diễn xướng, là chất sống đảm bảo sự phát triển bền vững của di sản Hát Xoan. Mối quan hệ chặt chẽ giữa Hát Xoan Phú Thọ và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã tạo nên sức sống mãnh liệt để hai di sản cùng song song tồn tại, vượt thời gian, bền vững trong lịch sử. 
Năm 2024, Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức gắn liền với Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm Giáp Thìn - 2024 tại thành phố Việt Trì, Khu di tích lịch sử Đền Hùng và các huyện, thị, thành phố của tỉnh Phú Thọ; gồm có các hoạt động phần lễ và phần hội, trong đó:
  • Phần Lễ: (1) Lễ giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ được tổ chức vào ngày 14/4/2024 (tức ngày 06/3 năm Giáp Thìn); (2) Lễ giỗ Tổ Hùng Vương và dâng hoa tại Bức phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn quân tiên phong” được tổ chức vào ngày 18/4/2024 (tức ngày 10/3 năm Giáp Thìn); (3) Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng của các huyện, thành, thị của tỉnh Phú Thọ từ ngày 09- 18/4/2024 (tức từ ngày 01 - 10/3 năm Giáp Thìn).
  • Phần Hội (Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ): gồm 17 hoạt động chính, nổi bật như: (1) Chương trình Khai mạc “Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm Giáp Thìn - 2024” và tổ chức họp báo cung cấp thông tin tuyên truyền; (2) Chương trình nghệ thuật và bắn pháo hoa tầm cao; (3) Hội trại văn hóa và tổ chức trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm; (4) Liên hoan văn nghệ quần chúng, dân ca Phú Thọ; (5) Trưng bày hiện vật, Di sản tư liệu thế giới, sách báo, tư liệu ảnh; (6) Hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy; (7) Trưng bày Hoa lan nghệ thuật; (8) Trình diễn Hát xoan làng cổ; (9) Hội thi bơi chải mở rộng; (10) Chương trình âm nhạc đường phố “Việt Trì livemusic”; (10) Triển lãm mỹ thuật với chủ đề “Quê hương, đất nước, con người Phú Thọ”...
Đối với Lâm Đồng, Lễ hội Giỗ tổ vua Hùng sẽ diễn ra chính thức vào ngày 10/3 âm lịch (tức 18/4 Dương lịch) bao gồm phần lễ: Đám rước lễ vật dâng cúng Quốc tổ, Tế Lễ truyền thống và dâng hương Quốc Tổ tại Đền Thượng, Lễ dâng hương Đền Trung và Đền Hạ. Phần hội bao gồm các hoạt động Biểu diễn Nghệ thuật dân gian, Thi đấu cờ tướng, Hội thi Trò chơi dân gian, Không gian giới thiệu nghệ thuật ẩm trà Việt Nam,...Trước đó vào ngày 17/4 sẽ diễn ra các hội thi như: hội thi trang trí mâm lễ vật, cắm hoa dâng vua Hùng.

Hội thi trang trí lễ vật, cắm hoa dâng vua Hùng năm nay là một sự kiện Văn hóa tín ngưỡng được tổ chức với quy mô cấp tỉnh, nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước năm 2024, chào mừng kỷ niệm 49 năm ngày Giải phóng Lâm Đồng - Đà Lạt, Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước Chào mừng Festival Hoa Đà Lạt lần thứ X – năm 2024. Thông qua Hội thi Trang trí mâm Lễ vật dâng cúng Vua Hùng nhằm mục đích giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, thể hiện lòng biết ơn của các thế hệ người dân Việt Nam đối với các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân kiên cường chống giặc ngoại xâm giữ nước, đồng thời giới thiệu những tinh hoa Văn hoá truyền thống của dân tộc, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam.

                             

ec8094c013dbbd85e4ca

                     Sản phẩm dự thi của  Trường PT DTNT THCS-THPT tỉnh Lâm Đồng

Hội thi diễn ra trong ngày 17/04/2024 (Ngày 09 tháng 03 năm Giáp Thìn), tại Đền Thượng – Đền thờ Âu Lạc – KDL thác Prenn Đà Lạt với chủ đề “Chung một cội nguồn”. Trường PT DTNT THCS_THPT Tỉnh Lâm Đồng được vinh dự là 01 trong 05 đội thi đại diện của Sở Giáo dục Đào tạo Lâm Đồng tham gia. Đây cũng là một niềm vinh dự cho đội ngũ CBGVNV của nhà trường khi được có cơ hội góp phần truyền bá thông tin đến đông đảo quần chúng nhân dân, đặc biệt là đến các em học sinh không chỉ riêng của nhà trường mà còn đến học sinh trong cả tỉnh về tinh thần "Uống nước nhớ nguồn", lòng biết ơn của các thế hệ người dân Việt Nam đối với các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân kiên cường chống giặc ngoại xâm giữ nước.
Trường PTDTNT THCS _THPT Tỉnh Lâm Đồng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây