Ý nghĩa lịch sử - 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Thứ ba - 07/05/2024 09:55
Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng của lòng yêu nước nồng nàn, ý chí bất khuất, kiên cường của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử.
Lá cờ Quyết chiến Quyết thắng phất cao trên nóc hầm De Castries trong chiến thắng Điện Biên Phủ
Lá cờ Quyết chiến Quyết thắng phất cao trên nóc hầm De Castries trong chiến thắng Điện Biên Phủ
Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến công vang dội của một dân tộc vốn là thuộc địa, đánh thắng quân đội hiện đại của một đế quốc phương Tây. Đây cũng là chiến thắng điển hình nhất trong lịch sử đấu tranh của các dân tộc bị áp bức chống quân xâm lược nước ngoài, mở đầu quá trình sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới. Chính vì vậy, chiến thắng Điện Biên Phủ mãi mãi là biểu tượng sáng ngời của tinh thần quật cường, bất khuất, trí thông minh, sáng tạo của nhân dân Việt Nam. Bảy mươi năm đã trôi qua, song chiến thắng này vẫn còn vẹn nguyên giá trị, ý nghĩa trong sự nghiệp cách mạng hiện nay.
Tháng 1-1953, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã họp Hội nghị lần thứ tư, phân tích một cách sâu sắc, khoa học hình thái chiến sự trên chiến trường Việt Nam và chiến trường toàn Đông Dương. Trung ương nhận định, do tình hình phát triển không đồng đều của lực lượng ta trên các chiến trường Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ, nên đại bộ phận chủ lực của địch đã dần dần tập trung ở Bắc Bộ, trong lúc chúng còn nhiều sơ hở trên các chiến trường khác. Ở Bắc Bộ, lực lượng của chúng tập trung ở đồng bằng, còn ở chiến trường miền núi thì chúng tương đối yếu hơn, điều kiện địa hình ở đó lại có lợi cho ta, không có lợi cho địch.
Từ phân tích sát tình hình, nắm vững tư tưởng tiêu diệt sinh lực địch là chính, Trung ương Đảng đã đề ra phương hướng chiến lược hết sức đúng đắn là: Tập trung lực lượng mở những cuộc tiến công vào những hướng quan trọng về chiến lược mà địch tương đối yếu nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực của địch, giải phóng đất đai; đồng thời, buộc chúng phải bị động phân tán lực lượng đối phó với ta trên những địa điểm xung yếu mà chúng không thể bỏ; từ đó, do địch phải phân tán binh lực mà tạo ra cho ta những điều kiện thuận lợi mới để tiêu diệt thêm từng bộ phận sinh lực của chúng. Nói một cách cụ thể hơn, trên chiến trường đồng bằng Bắc Bộ, trước mắt tiếp tục đẩy mạnh chiến tranh du kích sau lưng địch, cũng có thể dùng một bộ phận chủ lực để đánh những trận nhỏ. Còn các chiến dịch lớn thì nên mở vào những hướng khác, làm như vậy cũng tức là dần dần tạo điều kiện để tiến tới giải phóng đồng bằng.
Sau khi chiến tranh Triều Tiên kết thúc với Hiệp định đình chiến (7-1953), chúng ta đã dự đoán âm mưu mới của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ là ra sức tăng cường lực lượng và mở rộng chiến tranh xâm lược ở Đông Dương. Tình hình chiến sự vào mùa hè năm 1953 đã trở nên khẩn trương một cách rõ rệt, nhất là từ khi tướng H. Na-va được cử làm Tổng Chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Song, nhân dân và quân đội ta không hề nao núng trước những âm mưu và thủ đoạn mới của địch. Nhiệm vụ của chúng ta là phải kiên quyết chiến đấu để phá tan kế hoạch Na-va(1) của địch.
dbp1

Đảng ta thấy rõ những nét chính của kế hoạch Na-va, nhưng âm mưu của địch vẫn chưa bộc lộ một cách cụ thể. Trung ương Đảng nghiên cứu và phân tích tình hình, tư tưởng và phương hướng chiến lược cơ bản đã được đề ra từ trước, đi tới xác định chủ trương tác chiến trong chiến cuộc Đông - Xuân 1953 - 1954 là: Sử dụng một bộ phận chủ lực mở những cuộc tiến công vào những hướng địch sơ hở, đồng thời tranh thủ cơ hội tiêu diệt địch ở những hướng địch có thể đánh sâu vào vùng tự do của ta; trong lúc đó, đẩy mạnh chiến tranh du kích ở khắp các chiến trường sau lưng địch và tích cực tiến hành mọi sự chuẩn bị cần thiết trong nhân dân và bộ đội địa phương, dân quân du kích các vùng tự do, để cho quân chủ lực có điều kiện tập trung làm nhiệm vụ.
Vào thời điểm các cuộc tiến công Đông - Xuân của ta chuẩn bị bắt đầu, cục diện chiến sự có một sự biến chuyển mới. Địch phát hiện sự di chuyển của một bộ phận chủ lực ta lên hướng Tây Bắc. Ngày 20-11-1953, chúng đã dùng một bộ phận lực lượng cơ động, nhảy dù đánh chiếm Điện Biên Phủ. Chúng ta đã kịp thời nhận định tình huống mới: Địch nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, mặc dù ta không phán đoán được cụ thể về địa điểm và thời gian, nhưng cũng nằm trong phạm vi phán đoán trước của ta là nếu Tây Bắc bị uy hiếp thì địch sẽ tăng viện lên hướng đó. Như vậy là, trước sự uy hiếp của ta, địch đã phải bị động đối phó, phải phân tán một bộ phận lực lượng cơ động lên Điện Biên Phủ để yểm hộ cho Tây Bắc, che chở cho Thượng Lào.
Căn cứ vào nhận định trên, các đơn vị chủ lực của ta đang tiến quân lên Tây Bắc nhận được mệnh lệnh gấp rút tiến công tiêu diệt địch ở Lai Châu; đồng thời, một cánh quân tiến nhanh về phía bắc Điện Biên Phủ cắt đường rút lui của quân địch ở Lai Châu về phía Điện Biên Phủ, ngăn chặn không cho quân địch ở Điện Biên Phủ tiến lên đón chúng; cùng lúc đó, ta tiến hành bám sát địch ở Điện Biên Phủ, bao vây Điện Biên Phủ và chuẩn bị chiến trường.
dbp4

Điện Biên Phủ là một thung lũng lòng chảo rộng lớn ở phía tây vùng rừng núi Tây Bắc. Cánh đồng Điện Biên Phủ có chiều dài khoảng 18km, chiều rộng từ 6km đến 8km. Đây là cánh đồng lớn nhất, giàu có nhất và dân cư đông đúc nhất ở Tây Bắc. Điện Biên Phủ ở gần biên giới Việt Nam - Lào, nằm trên ngã ba nhiều đường lớn và đường nhỏ quan trọng, phía đông bắc nối liền với Lai Châu, phía đông và đông nam nối liền với Tuần Giáo, Sơn La, Nà Sản, phía tây thông với Luông Prabăng, phía nam thông với Sầm Nưa (Lào). Đối với thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, Điện Biên Phủ là một địa bàn chiến lược hết sức quan trọng, là một vị trí chiến lược cơ động ở giữa miền Bắc Việt Nam, vùng Thượng Lào và miền Tây Nam Trung Quốc, có thể trở thành một căn cứ lục quân và không quân có tác dụng rất lợi hại trong âm mưu xâm lược của chúng ở vùng Đông Nam Á. Lực lượng của địch ở Điện Biên Phủ được bố trí thành tập đoàn cứ điểm bao gồm 3 phân khu yểm hộ lẫn nhau, tất cả có 49 cứ điểm. Mỗi cứ điểm đều có khả năng phòng ngự; nhiều cứ điểm được tổ chức lại thành những cụm cứ điểm gọi là “trung tâm đề kháng theo kiểu phức tạp”, có lực lượng cơ động, hỏa lực mạnh, hệ thống công sự vững chắc, xung quanh có hào giao thông và hàng rào dây thép gai, có khả năng độc lập phòng ngự khá mạnh. Mỗi phân khu bao gồm nhiều trung tâm đề kháng kiên cố như vậy. Mỗi trung tâm đề kháng cũng như toàn bộ tập đoàn cứ điểm đều được bảo vệ bằng hệ thống công sự nằm chìm dưới mặt đất, bằng một hệ thống công sự phụ (hàng rào hoặc bãi dây thép gai, bãi mìn) và bằng một hệ thống hỏa lực rất mạnh.
Điện Biên Phủ có hai sân bay. Ngoài sân bay chính ở Mường Thanh, còn có một sân bay dự bị ở Hồng Cúm, ngày ngày được nối liền với Hà Nội, Hải Phòng bằng một cầu hàng không, trung bình mỗi ngày có gần 100 lần chiếc máy bay vận tải tiếp tế khoảng từ 200 đến 300 tấn hàng và thả dù khoảng từ 100 đến 150 tấn. Với lực lượng hùng hậu và cơ cấu phòng ngự vững chắc, H. Na-va đã từng nhận định rằng, Điện Biên Phủ là một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất chưa từng có ở Đông Dương, là một “pháo đài không thể công phá”. Từ nhận định chủ quan đó, địch đã phán đoán rằng quân ta ít có khả năng tiến công vào Điện Biên Phủ.
Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ có đủ những yếu tố mạnh của mọi tập đoàn cứ điểm, lại có thêm những chỗ mạnh đặc biệt nữa. Mặc dù vậy, do vị trí của nó nằm cô lập ở giữa núi rừng trùng điệp và mênh mông của miền Tây Bắc Việt Nam và vùng Thượng Lào, rất xa những căn cứ hậu phương, nhất là những căn cứ không quân lớn của địch, mọi việc tăng viện hoặc tiếp tế đều hoàn toàn dựa vào đường không. Do đó, nếu đường hàng không bị hạn chế hay bị cắt đứt thì tập đoàn cứ điểm rất mạnh này sẽ ngày càng lộ rõ nhược điểm của mình, có thể mất dần sức chiến đấu và lâm vào thế bị động phòng ngự trong những điều kiện ngày càng khó khăn; trường hợp lâm nguy cũng khó lòng rút quân được toàn vẹn.
Về phía ta, lực lượng ta có những đơn vị chủ lực tinh nhuệ có tinh thần chiến đấu cao, trình độ trang bị vũ khí, kỹ thuật có tiến bộ, hăng hái phấn khởi, quyết tâm tiêu diệt địch. Chúng ta có thể tập trung ưu thế binh lực, hỏa lực để đánh địch, lại đã có kinh nghiệm nhất định về đánh địch trong công sự vững chắc, đã bước đầu được huấn luyện để đánh tập đoàn cứ điểm, có khả năng khắc phục khó khăn, giải quyết những vấn đề cần thiết để tiêu diệt tập đoàn cứ điểm. Vấn đề tiếp tế lương thực và đạn dược cho một lực lượng lớn ở xa hậu phương trong một thời gian dài đứng trước những khó khăn rất lớn, nhưng ta lại có sức mạnh của một hậu phương rộng lớn, nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sẵn sàng tập trung toàn lực để chi viện tiền tuyến, bảo đảm lương thực, đạn dược cho quân đội làm tròn nhiệm vụ. Chúng ta cũng đã từng cân nhắc đến khả năng tăng viện của địch trong khi H. Na-va còn có sẵn trong tay một lực lượng cơ động lớn. Tuy nhiên, do những cuộc tiến công mùa đông của ta, khối cơ động đó đã bị phân tán rất nhiều. Chúng ta dự đoán, trong thời gian tới lực lượng địch có thể bị phân tán nhiều hơn nữa. Điều đó tạo điều kiện tốt cho chủ lực ta tiến công tiêu diệt địch ở Điện Biên Phủ, hạn chế sự tăng viện của địch lên mặt trận Điện Biên Phủ.
Xuất phát từ sự phân tích trên, nắm vững nguyên tắc tiêu diệt sinh lực địch và đánh chắc thắng, Trung ương Đảng ta đã hạ quyết tâm tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ. Trong khi H. Na-va chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược với quân chủ lực ta thì chúng ta cũng chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược với địch. Chúng ta hạ quyết tâm tập trung đại bộ phận chủ lực tinh nhuệ của ta lên mặt trận Điện Biên Phủ để tiêu diệt binh lực tinh nhuệ nhất của địch trong tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của chúng trên chiến trường Đông Dương. Quyết tâm rất lớn trên đây quán triệt phương châm tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt mà Trung ương đã đề ra khi chỉ đạo tác chiến trong chiến cuộc Đông - Xuân 1953 - 1954. Sau 56 ngày đêm chiến đấu liên tục, quân ta đã tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng vào ngày 7-5-1954(2). Cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953 - 1954 của quân ta đã kết thúc bằng một chiến thắng vĩ đại.
dbp5

Chiến thắng Điện Biên Phủ là đỉnh cao của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, tạo cơ sở căn bản và quyết định chấm dứt sự đô hộ của thực dân Pháp ở ba nước Đông Dương, là chiến thắng của lòng yêu nước nồng nàn, ý chí bất khuất, kiên cường của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử. Đây cũng là chiến thắng của đường lối chiến tranh nhân dân đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, của ý chí quyết chiến, quyết thắng, “dám đánh, quyết đánh, biết đánh và biết thắng”; của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, ra sức tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhấn mạnh: “Chiều sâu của chiến thắng Điện Biên Phủ tiềm ẩn trong truyền thống quật cường, bất khuất mấy nghìn năm của dân tộc, từ khí phách huyền thoại của em bé làng Gióng mới lên ba tuổi đã đánh giặc nước mà đã cho là muộn, giận chín tầng trời còn thấp khi bay tận mây xanh. Chiều sâu ấy tiềm ẩn trong câu thơ: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” của Lý Thường Kiệt, từ Hịch Tướng sĩ, Bình Ngô đại cáo... đến Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh”(3)

Trích từ Tạp chí cộng sản 

-----------------------------

(1) Kế hoạch Na-va là một kế hoạch chiến lược quy mô rộng lớn, nhằm mục đích trong vòng 18 tháng tiêu diệt phần lớn quân chủ lực của ta, giành lấy một thắng lợi chiến lược quyết định, buộc ta phải điều đình theo những điều kiện do Chính phủ Pháp đề ra, thực chất là nhằm biến Việt Nam vĩnh viễn thành một thuộc địa và căn cứ quân sự của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ.
(2) Tại Điện Biên Phủ, quân ta đã tiêu diệt và bắt làm tù binh trên 16.000 tên địch, trong đó có toàn bộ cơ quan chỉ huy của tập đoàn cứ điểm, có 1 tướng, 16 quan năm, 1.749 sĩ quan và hạ sĩ quan. Lực lượng của địch bị tiêu diệt bao gồm 17 tiểu đoàn bộ binh tinh nhuệ (trong đó có 7 tiểu đoàn dù), 3 tiểu đoàn pháo binh, gần 1 tiểu đoàn công binh, tổng cộng là 21 tiểu đoàn. Nhìn chung trên các chiến trường cả nước thì trong cuộc tiến công Đông - Xuân này, quân ta đã tiêu diệt 112.000 tên địch, tức là một phần tư lực lượng vũ trang của địch ở Đông Dương, trong số đó có 25 tiểu đoàn bị tiêu diệt hoàn toàn. Số máy bay oanh tạc, chiến đấu và vận tải, kể cả máy bay oanh tạc B.24 và máy bay vận tải hạng nặng C.119 của Mỹ bị bắn rơi và phá hủy ở Điện Biên Phủ là 62 chiếc, tính cả các chiến trường cả nước là 177 chiếc, tức là một bộ phận rất quan trọng lực lượng không quân của địch ở Đông Dương.
Xem: Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2013, tr. 205 - 206
(3) Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ, Sđd, tr. 359



 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây