CÔNG TÁC BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI

Thứ bảy - 16/09/2023 08:07
Tham luận tại Hội nghị CBVC trường PT Dân tộc nội trú THPT Tỉnh Lâm Đồng năm học 2023-2024
CÔNG TÁC BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI
     Bồi dưỡng học sinh cho các kỳ thi tuyển học sinh giỏi là vấn đề luôn được các cấp quản lý, các giáo viên trực tiếp giảng dạy quan tâm, trăn trở. Đây là công việc hàng năm, khó khăn thường nhiều hơn thuận lợi nhưng rất có ý nghĩa đối với các trường THPT, trong đó có trường chúng ta. Kết quả thi học sinh giỏi (HSG), số lượng và chất lượng HSG là một trong các tiêu chí quan trọng, phản ánh năng lực, chất lượng dạy và học của các trường, của giáo viên và học sinh. Thông qua kết qủa này, nhà trừơng, các bô môn, các thầy cô, học sinh còn có thêm những kinh nghiệm quý báu, có thêm cơ sở để chia sẻ, khích lệ, tự tin; dạy tốt hơn và học tốt hơn cho khóa học hiện tại và các khóa tiếp theo; trường lớp càng ngày càng có thêm nhiều học sinh khá, giỏi.
     Thực tế trong những năm học qua đã chứng minh: công tác bồi dưỡng học sinh giỏi của trường ta khá hiệu quả, trường có thế mạnh về các môn khoa học xã hội. Để có được kết quả cao trong các kì thi chọn học sinh giỏi, đòi hỏi sự phối hợp của nhiều yếu tố. Kiến thức môn học, tâm lí, phương pháp giáo dục vốn có của người thầy chưa đủ. Người thầy còn phải dành rất nhiều tâm sức, kinh nghiệm, sự hiểu biết, cố gắng của mình vào việc tuyển chọn, bồi  dưỡng cho các học sinh. Qua một số năm làm công tác tuyển chọn và bồi dưỡng học sinh giỏi môn lịch sử, tôi gặp phải một số khó khăn và tôi tin rằng đó là khó khăn chung của quý thầy cô ở trường chúng ta.
     1. Đa phần các em HS nhút nhát, thiếu tự tin vào năng lực của bản thân vì vậy thường không chủ động đăng ký các lớp bồi dưỡng học sinh giỏi mà đợi thầy cô vận động, nhắc đến tên mình mới tham gia.
     2. Mặt bằng tuyển chọn, bồi dưỡng thi học sinh giỏi không cao so với các trường ngoài. Nếu so với các trường PT khác trên địa bàn tỉnh nhà, thì HS của trường ta có những hạn chế nhất định về năng lực tư duy logic, ngôn ngữ và điễn đạt. Khả năng thành công xét theo các yếu tố đầu vào là chưa thật sự cao.
Tuy nhiên bên cạnh khó khăn, khi tiến hành công tác BDHSG, chúng tôi rất may mắn nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ từ phía BGH NT, tổ bộ môn, các anh chị đồng nghiệp; các em học sinh siêng năng, chịu khó, lại ở nội trú nên thuận lợi trong việc tổ chức học tập, trao đổi.
     Khi nói đến yếu tố thành công của công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, thì việc lựa chọn học sinh là vô cùng quan trọng. Thầy cô nào cũng muốn lựa chọn những HS tốt nhất. Nhưng, làm thế nào để thu hút, lôi cuốn các em học tốt tham gia vào các lớp BDHSG, điều này hoàn toàn lệ thuộc vào sự khéo léo của thầy cô, mà theo tôi, đó chính là sức mạnh của công tác tư tưởng.
Sức mạnh của công tác tư tưởng
     Nhắc đến từ “tư tưởng” ta thường nghĩ đến điều gì đó to lớn, trừu tượng và phức tạp. Song vấn đề ở đây rất đơn giản, đó là: Động viên học sinh, giúp các em yêu thích môn học, có mục tiêu, lí tưởng phấn đấu, có động lực quyết tâm ôn và thi học sinh giỏi đạt kết quả cao. Trước tiên, hãy cho các em biết tham gia đội tuyển học sinh giỏi và đạt giải sẽ có gì, được gì.
     Ví dụ: Về kiến thức, các em sẽ được học thêm những kiến thức chuyên sâu mà không phải mất một khoản học phí nào. Những kiến thức đó sẽ hỗ trợ cho các em trong việc ôn thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển vào các trường Đại học, cao đẳng sau này. Về danh hiệu: Thật vinh dự khi các em thi đạt giải sẽ được cả trường, huyện, tỉnh biết đến. Đây quả là phần thưởng vô giá và tuyệt vời. Về quyền lợi: Các em sẽ được một khoản tiền thưởng nhất định, được cộng điểm tốt nghiệp, được tuyên dương ghi nhớ danh hiệu trong hồ sơ học bạ...
Ví dụ đơn cử trên chỉ là công tác tư tưởng ban đầu định hướng cho học sinh động cơ học tập, phấn đấu và đạt giải. Ngoài ra, việc động viên khích lệ về tư tưởng phải được tiến hành thường xuyên trong từng tiết học giờ học bằng lời nói, hành động việc làm. Cụ thể: Một lời khen ngợi, động viên, một phần quà nhỏ như chiếc bút bi, quyển vở, hay gói kẹo “liên hoan”... sẽ giúp các em phấn khởi và tích cực học tập rất nhiều...
     Sau mỗi buổi học, giáo viên cần dành thời gian để rút kinh nghiệm giờ học, tháo gỡ mọi thắc mắc và chỉ rõ ưu, nhược điểm trong bài viết, hướng suy nghĩ của các em, có sự so sánh, khen ngợi, góp ý cụ thể từng học sinh trong nhóm, giúp các em tiến bộ từng ngày. Có thể nói, làm tốt công tác tư tưởng cho học sinh có nghĩa là chúng ta đã thành công một nửa trong công tác ôn luyện học sinh giỏi.
Phương pháp bồi dưỡng là khâu quan trọng
     Bất cứ hoạt động dạy học nào trên lớp nhất thiết giáo viên phải có giáo án, nhất là hoạt động bồi dưỡng học sinh giỏi càng yêu cầu giáo án phải được chuẩn bị cụ thể, công phu và yêu cầu cao hơn cả về nội dung và phương pháp.
Về nguyên tắc, giáo viên phải bồi dưỡng toàn bộ chương trình. Tuy nhiên, cần tập trung vào 1 số nội dung trọng tâm và chuyên sâu.
     Phương pháp bồi dưỡng là khâu quan trọng nhất trong quá trình bồi dưỡng học sinh giỏi. Khâu này thể hiện rõ hoạt động của thầy và trò. Giáo viên yêu cầu học sinh phải chuẩn bị trước những vấn đề cần bồi dưỡng (đọc sách giáo khoa, nghiên cứu những vấn đề mà giáo viên định hướng, tham khảo những tài liệu có liên quan…).
     Trong hoạt động bồi dưỡng học sinh giỏi cần phải sử dụng phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động và sáng tạo của học sinh (nêu vấn đề, tạo tình huống có vấn đề, thảo luận, đàm thoại…) đồng thời rèn luyện những kĩ năng của bộ môn. Bên cạnh đó, giáo viên cần xây dựng và sử dụng các dạng bài tập trong quá trình bồi dưỡng. Hoạt động này có vai trò quan trọng đối với sự hình thành, củng cố tri thức bộ môn cho học sinh, đồng thời là hình thức quan trọng để kiểm tra và đánh giá học sinh. Bài tập rất đa dạng và phong phú, được xây dựng trên một số bài học, một chương hay cả một quá trình học tập. Ngoài ra, mỗi đối tượng học sinh đều có điểm mạnh, điểm yếu khác nhau. Trong quá trình bồi dưỡng, giáo viên phải giúp từng cá nhân HS có thể phát huy được điểm mạnh, khắc phục hạn chế của mình.
Thường xuyên kiểm tra, đánh giá
    Thường xuyên kiểm tra đánh giá học sinh giúp giáo viên hiểu rõ việc học tập của học sinh, phát hiện những thiếu sót trong kiến thức và kĩ năng để kịp thời sửa chữa. Qua đó, giúp học sinh tự khẳng định mình và giúp giáo viên thấy được những thành công, những vấn đề cần rút kinh nghiệm trong giảng dạy.
     Có thể sử dụng các hình thức kiểm tra : trình bày miệng, kiểm tra 15 đến 30 phút, kiểm tra việc làm bài tập về nhà, đặc biệt trong quá trình bồi dưỡng tổ chức kiểm tra viết từ 2 đến 3 lần dưới dạng một đề thi (từ 120 đến 180 phút). Hình thức kiểm tra này ngoài việc đạt được mục đích yêu cầu trên còn có tác dụng rèn luyện chữ viết, cách sử dụng từ ngữ, chính tả và hành văn cho học sinh, đồng thời làm quen với các dạng đề thi.
     Tổ chức thi khảo sát để nhận xét và đánh giá năng lực của học sinh, loại bỏ những học sinh còn nhiều hạn chế về kiến thức và kĩ năng bộ môn. Qua các đợt kiểm tra sàng lọc, Giáo viên có thể bổ sung học sinh mới thay cho học sinh không đạt yêu cầu trong quá trình ôn luyện.
Một vấn đề cần lưu ý nữa là lên kế hoạch chủ động bồi dưỡng, ôn luyện học sinh giỏi. Việc này cần tiến hành ngay từ đầu năm học.
     Đã gọi là hoạt động, là công tác “mũi nhọn” thì phải “xuyên suốt”. Một số trường chỉ thực hiện công tác này trước thời điểm thi học sinh giỏi vài tháng. Nếu thực hiện như vậy thì quỹ thời gian ôn luyện dành cho các em là rất ngắn. Hơn nữa, hạn chế lớn nhất của học sinh trường ta là khả năng nhận thức, khả năng ghi nhớ có hạn, chúng ta chỉ có thể khắc phục điểm yếu đó bằng phương pháp “mưa dầm thấm lâu”, thậm chí không phải trong 1 năm mà là 2 – 3 năm, qua công tác gối đầu, ngay từ lớp 10, 11 đã cho các e cùng tham gia ôn luyện, xác định đi thi chỉ để lấy kinh nghiệm. Với cách làm này ta còn có thể giảm áp lực về thi cử và thời gian cho học sinh 12. Nếu thầy và trò chủ động lên kế hoạch, mục tiêu rồi tiến hành ôn luyện học sinh giỏi liên tục trong năm học, thậm chí trong cả dịp hè thì chắc chắn sẽ thu được kết quả tốt.
    Tóm lại, để công tác bồi dưỡng học sinh giỏi muốn đạt hiệu quả cần phải được coi trọng và thực hiện tốt những công việc chủ yếu sau đây:
Biết phát hiện và chọn đúng đối tượng học sinh nhằm đánh giá đúng năng lực học tập của học sinh, làm cơ sở cho việc bồi dưỡng đạt hiệu quả cao; Xây dựng chương trình và nội dung bồi dưỡng vừa mang tính bao quát vừa mang tính trọng tâm để xác định những vấn đề cần bồi bổ, nâng cao kiến thức cho học sinh.
     Cần quan tâm thực hiện nguyên tắc dạy học liên môn để giúp học sinh biết khai thác và mở rộng kiến thức; Quán triệt và thực hiện tốt phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động và sáng tạo của học sinh, ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ cho bài giảng; Trong quá trình bồi dưỡng cần tập trung rèn luyện những kỹ năng bộ môn cho học sinh qua nhiều dạng bài tập nhằm giúp học sinh biết cách giải quyết vấn đề đặt ra.
Tống Thị Sáu- GV tổ Sử - Địa - CD

Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây